Nhận định hạn hẹp và phi thực tế về bỏ việc văn phòng chạy Grab
Có thể thấy đây là sự nhận định rất hạn hẹp và phi thực tế. Chẳng có một ai lại từ chối ngồi trong phòng máy lạnh để chạy ngoài đường dưới nắng cháy người cả.
Bản thân tôi là một người thường xuyên đi Grab. Mỗi chuyến đi là cuộc nói chuyện với tài xế và đa số là thanh niên độ tuổi 20, người còn đi học, người ở tỉnh lên và chạy xe kiếm sống, thỉnh thoảng gặp vài chú trung niên.

Họ chọn chạy xe ôm công nghệ không phải vì đó ưu tiên hàng đầu mà là công việc tạm thời tốt nhất. Suy nghĩ kĩ thì sẽ hiểu. Làm công nhân thì lương cũng 5-6 triệu cơ bản, tăng ca mới có thêm tiền. Làm công việc văn phòng thì cần ít nhất bằng đại học và trình độ nhất định. Hãy hỏi bất cứ nhà quản lí hay tuyển dụng nào đánh giá chất lượng sinh viên ra trường hiện tại để hiểu vì sao lại bị chê. Những vị trí cơ bản và thực tập thì trả lương quá bèo. Họ kẹt tiền cho nên đành chạy Grab để xoay xở tạm thời. Nhưng đó không phải là công việc chính. Họ thừa biết là không thể nào sống dài hạn bằng Grab. Lái xe vài tiếng đã mệt rồi chứ đừng nói gì cả ngày trời. Thu nhập thì không ổn định và không có bảo hiểm, bị gì thì không biết kêu cứu ai.
Nhưng họ chọn chạy Grab vì sẽ có thời gian để đi học thêm, đi làm thêm. Vì ngoài Grab với Now thì không có công việc gì có thể đáp ứng tính linh hoạt về thời gian cả. Họ chạy ban ngày rồi chiều đi học. Một anh đã từng chở tôi kể anh chạy từ 9h tới 5h rồi 7h chiều đi học ngoại ngữ. Một anh kia thì đi làm văn phòng ban ngày nhưng lương không đủ sống nên anh ta tranh thủ chiều tối chạy thêm.
Không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều quốc gia khác nghề shipper là công việc tạm thời được ưa chuộng. Ở Trung Quốc, 70.000 thạc sĩ đang là shipper. Vậy điều này có đáng lo ngại không? Hoàn toàn không. Hãy suy ngẫm về những điều sau..
- Trung Quốc có hơn 2,86 triệu sinh viên trình độ thạc sĩ trở lên. 70.000 là 2,45%, một con số quá nhỏ.
- Cuộc khảo sát đó được thực hiện trong mùa hè, đó là lúc nhiều sinh viên đã tốt nghiệp và đang tìm việc làm. Trong lúc rải hồ sơ thì họ làm việc bán thời gian để kiếm tiền sống qua ngày. Shipper được coi là tiện lợi nhất vì linh hoạt về thời gian. Nhiều sinh viên và nhân viên văn phòng cũng làm vậy chứ không riêng thạc sĩ.
Không chỉ ở Trung Quốc mà hiện tượng người có bằng đại học làm tạm thời trong hệ sinh thái kinh tế Gig cũng diễn ra ở Mỹ Âu. Ví dụ Mỹ, ước tính 10% tài xế Uber có bằng đại học, chủ yếu làm bán thời gian để kiếm sống qua ngày (Nguồn: Little Dataset). Một người bạn của tôi ở Úc đang học thạc sĩ kể rằng các bạn Ấn Độ hay chạy Uber Eats để đóng tiền nhà. Sáng học, chiều đi làm, đủ sống.
Không ai coi đây là việc toàn thời gian vì không có tiềm năng phát triển sự nghiệp đâu. Họ chỉ làm tạm trong khi đang học hoặc tìm việc. Cũng không có gì xấu cả. Đó là những người trường thành đang kiếm sống bằng tay chân của mình. Chẳng có gì phải lo ngại cả.
Vậy nên, nếụ chỉ trích giới trẻ bỏ việc văn phòng để chạy Grab là quá thiêu hiểu biết.
Chẳng có ai thích công việc dưới nắng mưa cả nhưng cần tiền thì phải làm thôi. Bạn chỉ trích điều gì, lên án cái gì? Nếu hệ thống giáo dục đào tạo học sinh và sinh viên đúng chuẩn thì ai ra trường cũng sẽ có được việc làm chứ không cần phải đi lòng vòng mưu sinh chờ cơ hội. Nếu lương đủ sống thì cũng không cần làm thêm. Và một lời khuyên cho các bạn trẻ đó là chạy Grab không nên coi là việc toàn thời gian. Bạn chỉ thấy thu nhập nhưng không hiểu được nó vất vả ra sao. Nên nếu còn trẻ thì hãy học để sau này đỡ vất vả và làm cuộc sống của mình trở nên tốt hơn. Đừng ham đồng tiền lẻ trước mắt mà quên đi cái dài hạn.
(Editor Nam Blue)