Nếu “in tiền là phát triển” là suy nghĩ ngây thơ thì nhầm lẫn “lạm phát là lợi nhuận” và “đánh bạc ăn may là tài năng” là hậu quả trực tiếp của niềm tin lệch lạc đó.
Hiện tại thì nước nào cùng in tiền?
Đi đầu là Mỹ và Châu Âu với lượng tiền tệ dollar gia tăng hơn 20% trong năm 2020. Nhưng lạm phát ở nước họ đang ở mức gần 1%.
Việt Nam cũng chạy theo chính sách nới lỏng tiền tệ này.
Nhưng có điểm khác biệt là USD và Euro là tiền dự trữ của nhiều quốc gia trên thế giới, chiếm 60% và 20%.
Tiền VNĐ thì không may mắn có được vị thế đó. Cho nên mỗi khi in ra thì đẩy giá chứng khoán và bất động sản lên mức bất thường.
Đừng bắt chước họ trong khi giá trị hai bên hoàn toàn khác nhau. Mỹ vẫn được coi là điểm an toàn còn Việt Nam chỉ là thị trường mới nổi.
In tiền không phải là phát triển.
Tham gia nhiều diễn đàn và nói chuyện với đủ thành phần thì tôi nhận ra rằng ở đất nước chúng ta đang hình thành một tầng lớp doanh nhân không dựa trên sản xuất, phát triển công nghệ hay chất xám mà từ bất động sản.
Tôi không nói vậy là sai. ở đâu cũng có nhu cầu cho nhà ở nhưng đừng đánh đồng nó với buôn nhà đất chuyển tiền qua tay vì nó không tạo ra bất cứ sản phẩm gì mà chỉ là một nhóm đánh cược qua lại với nhau.
Nếu nói chuyện với một bạn ở Mỹ, úc, Nhật hay Châu Âu thì sẽ thấy họ ôm mộng làm giàu bằng cách mở doanh nghiệp để phát triển ý tưởng nào đó. Đi đầu là công nghệ hoặc sản phẩm trí tuệ với mục tiêu nhân qui mô lên 100 lần.
Còn ở Việt Nam, trong những năm gần đây thì tôi thấy đa số tập trung vào chứng khoán và nhà đất với mục tiêu lợi nhuận siêu ảo nằm ngoài mức tự nhiên.
Những hội nhóm nhà đất, đánh chứng và buôn coin nở rộ khắp nơi còn hơn nấm mọc sau mưa.
Thật tai hại khi nghĩ về hệ lụy về sau. Khi một quốc gia không lấy sản xuất làm nền tảng mà cuốn theo ảo giác tiền tệ thì chỉ đang phát triển dậm chân tại chỗ.
Nhưng éo le thay, họ coi đó là thành công.
Khi có lượng tiền tệ tân tạo rót vào thị trường thì mọi tài sản đều tăng giá. Một người khiếm thị cũng có thể mua miếng đất rồi để đó, canh bán lại. Một con khỉ bị bịt mắt cũng có thể chọn đại bất kỳ cổ phiếu nào rồi bay bổng theo xu hướng đầu cơ.
Nhưng đó là ảo giác lạm phát. Một mớ tiền chuyển tay qua lại một vài lần thì cũng chỉ là một mớ tiền. Đó không phải là phát triển hay thịnh vượng mà là sự hư vô của đám ngốc.
Nhưng chúng ta không thể chống lại đám đông. Những lúc như vậy, một là đứng ngoài, hai là theo đám đông thì mới có cửa sống 🙂
(Nguồn Sưu Tầm)